Ngăn chặn ca ngộ độc, khẩn trương truy xuất nguồn gốc

11:35 - 04/05/2024

Trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo với các vụ ngộ độc thực phẩm, cơ quan chức năng cần khẩn trương truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm.

Vị lãnh đạo này cũng lưu ý hiện đang vào mùa hè, nhiệt độ môi trường tăng cao do nắng nóng là điều kiện rất thuận lợi cho vi sinh vật phát triển.

"Ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, trong một quy trình từ nguyên liệu, chế biến, bảo quản, vệ sinh cơ sở, từ nguồn nước, vệ sinh cá nhân người chế biến thực phẩm, chỉ cần bất kỳ sơ suất nào cũng có thể dẫn đến nguy cơ gây ngộ độc", vị lãnh đạo này lưu ý. Do đó, khi không may xảy ra ngộ độc thì cơ quan chức năng phải vào cuộc nhanh chóng nhất để ngăn chặn nguy cơ bùng phát thêm các ca ngộ độc của cả chuỗi cung ứng và tập trung nguồn lực giải quyết cấp cứu cho bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất về thiệt hại do ngộ độc.

Nguy cơ từ bàn tay nhiễm khuẩn

Về các yếu tố nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (ATTP) cho biết nguy cơ dễ gây ô nhiễm nhất là nguồn nguyên liệu, nếu không được kiểm soát tốt. Chẳng hạn trong bánh mì, ngoài vỏ bánh còn có các nguyên liệu khác như các loại rau, thịt ăn kèm, nước sốt… Trong đó, nếu rau kiểm soát không tốt cũng dẫn đến nguy cơ do ô nhiễm vi sinh hoặc nguy cơ ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật. Rồi thịt làm nhân bánh khi bảo quản không tốt gây ôi thiu, phát sinh vi sinh.

Lãnh đạo Cục ATTP còn lưu ý về nguy cơ dễ bị bỏ qua là vệ sinh bàn tay, vệ sinh cá nhân người chế biến; dụng cụ chứa đựng thực phẩm. Có khi chỉ cần một loại vi khuẩn tụ cầu ở tay là có thể gây bệnh cho người sử dụng do thực phẩm bị ô nhiễm từ bàn tay chứa vi khuẩn đó. Vì vậy, người chế biến thực phẩm cần thực hiện vệ sinh cá nhân nghiêm túc.

Lơ là một chút cũng có thể gây ngộ độc lớn

Một chuyên gia của Cục ATTP lưu ý với những cơ sở nhiều người sử dụng dịch vụ ăn uống, ví dụ như bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố hoặc các nhà hàng thì số lượng khách được phục vụ rất lớn, cho nên nếu không đảm bảo tốt, không may xảy ra sự cố về ATTP thì số người bị ngộ độc sẽ tăng cao.

Theo chuyên gia này: "Có thể ngay lúc mua nguyên liệu về chế biến thì đạt yêu cầu nhưng lúc bảo quản thì thời gian kéo dài, nhiệt độ không thích hợp dẫn đến tình trạng vi sinh phát triển, ôi thiu mà không biết hoặc cố tình bán cho người sử dụng dẫn đến gây bệnh. Do đó, cùng với vệ sinh cá nhân người chế biến thực phẩm, khâu chế biến và bảo quản nguyên liệu rất quan trọng".

Cạnh đó, cần đảm bảo vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ và giám sát nguồn nước. "Về phía các cơ quan quản lý, cần tăng cường kiểm tra giám sát và hướng dẫn để các cơ sở kinh doanh thực hiện, và khi được hướng dẫn thì các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm phải nghiêm túc thực hiện theo cơ quan chuyên môn", lãnh đạo Cục ATTP nhấn mạnh giải pháp cho việc ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, thay vì lơ là, để xảy ra mới chạy theo để giải quyết.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm

Ngày 3.5, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký ban hành Công điện số 44/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.

Công điện nêu rõ trong thời gian qua, công tác quản lý ATTP, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, số vụ ngộ độc, số người mắc ngộ độc thực phẩm vẫn còn nhiều. Gần đây, trên phạm vi cả nước vẫn ghi nhận một số vụ ngộ độc, đặc biệt vụ ngộ độc xảy ra tại TP.Long Khánh (Đồng Nai) ngày 30.4 vừa qua với trên 450 (tính đến sáng 3.5) người mắc phải nhập viện điều trị.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về ATTP, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn theo đúng quy định. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định; chỉ đạo cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các ngành chức năng trên địa bàn tập trung cứu chữa các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe người dân.

TTXVN

 
 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Cáp nét siêu tốc - Cơn lốc quà tặng từ SCTV

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh