Mô hình “bán lẻ” X “sạc xe” chuẩn bị lan rộng ở Việt Nam

Các trạm dừng nghỉ loại 3-4 phải xây dựng trụ sạc, điểm đỗ riêng cho xe điện

Cụ thể, văn bản của bộ quy định từ ngày 5/10/2024, trạm dừng nghỉ loại 1 và 2, loại thường được bố trí trên các tuyến cao tốc hoặc quốc lộ lớn, với diện tích từ 5.000 - 10.000 m2 phải có trụ sạc và điểm đỗ cho xe điện. Không chỉ vậy, số lượng điểm đỗ xe điện phải chiếm 10% tổng số chỗ đỗ xe. Trong khi đó, các trạm loại 3 và 4 “được khuyến khích” xây dựng cơ sở hạ tầng này.

Với những trạm dừng nghỉ đã được đưa vào khai thác trước khi thông tư này có hiệu lực, chủ sở hữu phải hoàn thành việc sửa chữa, nâng cấp và tích hợp các hạng mục công trình này, gồm cả trạm sạc và chỗ đỗ xe điện, trước ngày 1/1/2027.

Hiện nay tại Việt Nam, VinFast (thuộc Vingroup) gần như là đơn vị duy nhất phát triển hệ thống các trạm sạc điện. Số liệu công bố hồi tháng 5/2023 cho thấy hạ tầng trạm sạc công cộng của Vinfast đã có mặt tại 80 trên 85 thành phố trên cả nước, phủ sóng trên 106 tuyến quốc lộ và cao tốc.

Vingroup cũng không ngừng đẩy mạnh các dự án nằm mở rộng mạng lưới các trạm sạc của mình. Chẳng hạn, họ lắp trạm sạc tại các cửa hàng Winmart hoặc hợp tác với Petrolimex để đặt trạm sạc tại những cây xăng.

Trên thực tế, trong hai năm vừa qua, mô hình kết hợp giữa các cửa hàng bán lẻ/trạm dừng và hệ thống trạm sạc đang lên ngôi trên toàn cầu. Rất nhiều bên đã và đang ra mắt mô hình này.

Tháng 3/2023, chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven thông báo tích hợp hệ thống sạc xe điện tại một số cửa hàng ở Mỹ và Canada với tên gọi 7Charge. Mục tiêu của họ là trở thành mạng lưới sạc xe điện lớn nhất và phủ sóng rộng nhất khu vực Bắc Mỹ.

Trước 7-Eleven vài ngày, Subway tuyên bố tích hợp điểm sạc xe điện tại những cửa hàng bánh sandwich của mình.

Hoặc đầu năm 2023, Starbucks cũng công bố ý định đặt hệ thống sạc xe tại 15 cửa hàng dọc theo quãng đường 160km nối Seattle và Denver.

Bài bản nhất có lẽ là Tesla, công ty sở hữu thương hiệu xe điện lớn nhất thế giới. Kể từ năm 2018, CEO Elon Musk đã hé lộ kế hoạch xây dựng nhà hàng tại trạm sạc Tesla Supercharge ở Los Angeles. Đến năm 2023, họ đã cho động thổ nhà hàng trạm sạc đầu tiên tại Hollywood, bang California. Theo thiết kế, nhà hàng này có hai tầng, hình bán nguyệt, tích hợp 29 trạm sạc và gồm cả 2 rạp chiếu phim.

Thậm chí đến những chuỗi khách sạn cũng đua nhau mở trạm sạc, chẳng hạn Marriott hoặc Hilton.

Mô hình kết hợp điểm bán lẻ và trạm sạc nổi lên không chỉ là kết quả từ sự phát triển của xe điện, mà còn vì mối quan hệ đôi bên cùng có lợi giữa dịch vụ bán lẻ và bên bán xe điện.

Trên thực tế, số lượng xe điện trên thế giới đang phát triển nhanh, nhưng mạng lưới trạm sạc lại không theo kịp. Do đó việc phát triển mạng lưới sạc xe là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với các hãng xe điện nếu muốn thuyết phục khách hàng dùng xe điện. Khi ấy, việc tích hợp trạm sạc vào những cửa hàng bán lẻ sẽ giúp các hãng xe tận dụng được mặt bằng có sẵn, vị trí tốt và độ bao phủ cực lớn của những cửa hàng này, từ đó mở rộng mạng lưới sạc xe, đem đến dịch vụ tốt hơn cho khách hàng.

Trong khi đó, với những bên bán lẻ, việc tích hợp trạm sạc sẽ giúp họ gia tăng cơ hội có thêm doanh thu. Khác với xe xăng chỉ cần chưa đến vài phút là đổ xong xăng và di chuyển bình thường, xe điện cần thời gian sạc nhất định, đôi khi mất đến một tiếng đồng hồ. Vậy nên trong thời gian chờ đợi này, các tài xế sẽ cần dùng đến các dịch vụ ăn uống, giải trí, xem phim, v.v.. Từ đó các cửa hàng bán lẻ có thể kinh doanh dịch vụ của mình. Đó là còn chưa kể phần lợi nhuận từ dịch vụ sạc xe.

Như vậy, với những lợi ích đã được chứng minh, cộng với thông tư mới từ Bộ Giao thông vận tải, mô hình kết hợp giữa bán lẻ và trạm sạc xe chắc chắn sẽ ngày càng lan rộng ở Việt Nam. Khi ấy, không chỉ các chuỗi bán lẻ có thêm doanh thu, hãng xe điện mở rộng cơ hội kinh doanh, mà những khách hàng sử dụng xe điện cũng có thêm cơ sở vật chất để phục vụ nhu cầu đi lại của mình.